• Webdien.com - Cầu nối dân điện


    1. [HOT] - Webdien đang tuyển các vị trí quản lý cao cấp


  • Trang 1 của 12 123411 ... CuốiCuối
    Kết quả 1 đến 10 của 114
    1. #1
      Tham gia
      20-03-2008
      Địa chỉ
      Binh Thanh
      Bài viết
      124
      Cảm ơn
      38
      Được cảm ơn 210 lần, trong 58 bài

      Post Các tin tức về THUỶ ĐIỆN

      Ký hợp đồng EPC dự án Thủy điện Hủa Na

      Ngày 24/3, tại Hà Nội, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na ký hợp đồng thực hiện dự án thuỷ điện Hủa Na theo hình thức EPC. Theo đó, Lilama đảm nhận vai trò Tổng thầu dự án và sẽ tiến hành thiết kế, mua sắm thiết bị, thi công xây lắp, chạy thử và bàn giao công trình cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na.


      Nhà máy thủy điện Hủa Na có tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng, bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất 180 MW, được xây dựng tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Theo thiết kế, Nhà máy bao gồm hồ chứa nước rộng 5.345 km2 với hệ thống đập hồ bê tông trọng lực theo công nghệ bê tông đầm lăn; đường hầm dẫn nước dài 3.826m, đường kính 7,3m, lưu lượng nước 198m3/giây. Điện lượng trung bình hàng năm của Nhà máy sẽ đạt khoảng 706 tỷ KWh.

      Mục tiêu của dự án là khai thác nguồn thủy năng và cùng với hồ chứa nước Cửa Đạt điều tiết dòng chảy sông Chu để đảm bảo yêu cầu cầu chống lũ cho hạ lưu; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và khu vực. Tổng giám đốc Lilama Phạm Hùng cho biết, trong giai đoạn khủng hoảng điện năng như hiện nay, việc đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na mang ý nghĩ quan trọng, đóng góp tích cực cho sự ổn định lưới điện Quốc gia.

      Chủ đầu tư dự án - Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na do Tập đoàn dầu Khí Việt Nam (PV) và Lilama sáng lập cùng sự tham gia của một số cổ đông và cá thể gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần (NHTMCP) Quân đội, NHTMCP Sài Gòn, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Tài chính, Công ty Chứng khoán Sài Gòn... Công ty đang hoạt động trên các lĩnh vực chính như: sản xuất, mua bán điện năng; đầu tư xây dựng các dự án điện; xây lắp công trình điện; kinh doanh vật tư, thiết bị trong lĩnh vực điện; khai thác, chế biến, mua bán khoáng sản; xây dựng và kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê; kinh doanh bất động sản và khách sạn du lịch.

      Theo dự kiến, Nhà máy Thủy điện Hủa Na sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 28/3/2008 và hòa lưới điện quốc gia trong quý IV/2011./.

      Theo Trang tin điện tử - Ngành điện

      --------------------------------------------------------------------------------
      Xem bài viết cùng chuyên mục:

      Tran Dao Trading and Engineering Co., Ltd

    2. #2
      Tham gia
      19-03-2008
      Bài viết
      85
      Cảm ơn
      0
      Được cảm ơn 198 lần, trong 27 bài

      Mặc định Khởi công xây dựng thủy điện lớn nhất Lạng Sơn

      Sáng ngày 2/4/2008, tại thôn Hác Thào xã Hùng Việt huyện Tràng Định Công ty cổ phần thủy điện Sử pán 1 đã khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Thác xăng (Bắc Giang 2) dự lễ khởi công có đồng chí Trần Ngát Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Bình Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Đồng chí Nguyễn Văn Ngành Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng đại diện các Ban ngành, huyện Tràng Định, Văn Lãng.

      Thuỷ điện Bắc Giang 2 hay công trình thuỷ điện Thác Xăng được xây dựng trên diện tích gần 300ha đầu mối thuỷ điện nằm trên 3 xã đặc biệt khó khăn là Hùng Việt, Hồng Phong, Bắc La thuộc huyện Tràng Định và Văn Lãng, Bình Gia. Công trình thuỷ điện Thác Xăng đầu tư trên 270 tỷ đồng khi hoàn thành tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ, Công trình gồm 2 tổ máy công suất 16 MW dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Thuỷ điện Thác Xăng cung cấp cho mạng lưới điện quốc gia mỗi năm 65,29 triệu KWh.


      Công ty Sử Pán là công ty cổ phần gồm các thành viên, Công ty cổ phần Lilama 69-2 và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng Long dương.Việc đầu tư xây dựng thuỷ điện Thác Xăng sẽ kéo theo đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, nước sạch, điện trên địa bàn. Tạo ra môi trường sinh thái lòng hồ phục vụ phát triển kinh tế, du lịch địa phương.

      theo HIENDAIHOA.COM
      Chỉ có yêu mỗi em và game thôi

    3. #3
      Tham gia
      03-11-2009
      Bài viết
      2
      Cảm ơn
      0
      Thanked 1 Time in 1 Post

      Mặc định Miền Bắc đang Đẩy nhanh tiến độ thuỷ điện nhỏ

      về Phát điện


      Các nhà máy thuỷ điện nhỏ sẽ sớm phát điện trong ít năm tới.
      Trưởng phòng Phát triển kinh doanh (PC1) Nguyễn Kim Thành nhận định, đa phần trong số 11 dự án thuỷ điện do đơn vị này đầu tư xây dựng đều gặp phải những khó khăn về khủng hoảng giá nguyên vật liệu giai đoạn 2007-2008, kinh nghiệm làm thuỷ điện cũng như điều kiện thời tiết bất thường, nên hầu như không đảm bảo tiến độ phát điện như kế hoạch đề ra.

      Trong số các dự án trên, đến nay mới có thuỷ điện Hố Hô - công suất 14MW tại Quảng Bình - Hà Tĩnh và thuỷ điện Nậm Đông III - công suất 15,6MW tại Yên Bái có khả năng hoàn tất việc phát điện trong năm 2009.

      Với việc phát điện hai nhà máy thuỷ điện trên trong năm 2009, mỗi năm lưới điện quốc gia sẽ được bổ sung gần 122 triệu kWh, góp phần giảm căng thẳng về cung cấp điện ngay trong mùa nắng nóng 2010.

      Sau các dự án này, theo tính toán của PC1, phải sang đến năm 2010 mới có thêm 4 nhà thuỷ điện khác gồm Hồ Bốn (18MW), Séo Chong Hô (21,7MW), Suối Sập 3 (13MW) và Nậm Mở 3 (10MW) lần lượt được đưa vào phát điện trong các quý II và III.

      Các dự án này hiện đang khẩn trương thi công các hạng mục chính của công trình như đập đầu mối, đường hầm và nhà máy thuỷ điện cùng nhiều hạng mục phụ khác, nên có thể đảm bảo khả năng phát điện trong năm 2010. Riêng 5 dự án thuỷ điện còn lại gồm Nậm Sài (7,5MW), Nậm Toóng (34MW), Nho Quế (32MW), Nậm Mức (44MW) và Tà Cọ (28MW) đều còn trong quá trình hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để triển khai thi công các hạng mục công trình chính trong mùa khô 2009-2010.

      "Hầu hết các hạng mục phụ trợ tại các dự án này hiện đã được hoàn thiện, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ thi công các hạng mục chính nên theo tiến độ, các dự án này sẽ có thể phát điện vào quý III và quý IV năm 2011" - Trưởng phòng Nguyễn Kim Thành cho biết.

      Sức ép cổ tức

      Đầu tư các dự án theo hình thức thành lập các Cty cổ phần và Cty liên doanh, trong đó PC1 nắm cổ phẩn chi phối nên trong thời gian tới, các Cty cổ phần đều đứng trước thách thức phải làm ăn có lãi, trả nợ ngân hàng và trả cổ tức cho các cổ đông.

      Với thách thức này, định hướng của PC1 đối với các Cty cổ phẩn sau 2 năm phát điện thương mại phải hoàn tất các thủ tục đưa các nhà máy lên sàn chứng khoán. Hoạt động này, theo PC1 là nhằm tiếp tục thu hút vốn để triển khai đầu tư các dự án khác sau khi được sự đồng ý của các cổ đông.

      Song song với việc vận hành an toàn và hiệu quả các nhà máy thuỷ điện, chủ đầu tư các dự án tiếp tục thông qua các địa phương có tiềm năng thuỷ điện và các đơn vị tư vấn, nhằm tiếp tục nghiên cứu cơ hội đầu tư các dự án thuỷ điện hoặc các dự án sản xuất, kinh doanh khác.

      Dĩ nhiên - theo chủ đầu tư các dự án thuỷ điện trên - việc xây dựng kế hoạch đầu tư phải được các cổ đông thông qua và chỉ có thể triển khai khi các cổ đông có ý kiến thống nhất giao cho các Cty cổ phần đầu tư các dự án mới.

    4. #4
      Tham gia
      22-09-2009
      Địa chỉ
      GÓC CHÉM GIÓ
      Bài viết
      1,230
      Cảm ơn
      154
      Được cảm ơn 837 lần, trong 393 bài

      Mặc định

      mfk ... xây dựng nhà máy thủy điện mà không tính toán cứ xây bừa thì chết. Thực tế cho thấy Việt Nam đang có xu hướng ồ ạt xây dựng nhà máy thủy điện. Trên 1 con sông có thể có đến cả chục cái ~_~. Mong các bác quy hoạch tuyến trên làm sao cho tốt một chút chứ bà còn sống phía hạ lưu sông cũng thấp thỏm lắm lắm

    5. #5
      Tham gia
      04-12-2009
      Bài viết
      2
      Cảm ơn
      3
      Được cảm ơn 0 lần, trong 0 bài

      Mặc định

      có bác nào biết gì về nhà máy thũy điện bá thước tỉnh thanh hóa đang xây dựng không vậy?

    6. #6
      Tham gia
      25-01-2010
      Địa chỉ
      Đồng Nai
      Bài viết
      1,013
      Cảm ơn
      293
      Được cảm ơn 673 lần, trong 391 bài

      Mặc định Tổng hợp Các tin tức liên quan THUỶ ĐIỆN

      Thiếu nước, điện phập phù

      TT - “Suốt 23 năm qua, từ khi vận hành đến nay, đây là lần đầu tiên nước hồ Hòa Bình xuống thấp kỷ lục, thiếu hụt so với năm 2009 (năm hạn nặng nhất) đến cả chục mét nước” - ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, buồn bã thông báo với chúng tôi chiều 9-9.

      Tính đến chiều 9-9, hồ thủy điện Hòa Bình mới tích nước được đến độ cao 100m. Trong khi cũng vào thời điểm này của nhiều năm trước, mực nước trung bình là 117m

      Chiều 9-9, khi chúng tôi có mặt tại hồ Hòa Bình, anh Nguyễn Văn Huân (xóm Tháu, xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình) đang vớt củi trên lòng hồ nói: “Lúc trước chỉ đi vài ngày là kiếm được đầy thuyền củi, cũng chưa bao giờ đi quá vài chục cây số để vớt củi. Năm nay nước cạn, không có lũ nên không có củi, đi hai tuần về mới được một thuyền. Mọi năm một ôtô khoảng 14m3 củi giá 800.000 đồng nay lên 1,4 triệu đồng, biết là được giá nhưng cũng đành chịu, phải ngồi thuyền chờ nước lên”.

      Thiếu nước vì lũ không về

      Anh Huân cho biết mọi năm tàu thuyền ở bến này đậu kín để chở ngô từ Sơn La về và chở cát từ Hòa Bình lên Sơn La. Năm nay chỉ lèo tèo vài chiếc chờ nước lên để chở cát và ngô. Vừa rồi, đội tàu của cảng phải bán bớt tàu do nước quá cạn không chở được cát lên thủy điện Sơn La.

      Ông Nguyễn Văn Thành cho biết đến 16g hôm qua, mực nước thực đo tại hồ Hòa Bình là 100,07m, trong khi đúng dịp này năm 2009 mực nước hồ là 109m, còn trung bình nhiều năm trước đạt tới 117m. Theo ông Thành, để toàn bộ tám tổ máy vận hành trơn tru theo đúng thiết kế thì lưu lượng nước về hồ phải đạt từ 2.400m3/giây trở lên. Nhưng thực tế từ đầu mùa lũ đến nay, lưu lượng nước về hồ lúc cao nhất cũng chỉ đạt 1.500-1.600m3/giây. Đặc biệt hơn, năm nay không có trận lũ nào đổ về hồ Hòa Bình.

      Sản lượng điện thấp hơn năm 2009

      Nước hồ cạn, lưu lượng giảm nên ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất điện. Ông Thành cho biết nếu năm 2009 nước đã cạn, lưu lượng giảm và sản lượng cũng đã giảm nhiều so với mọi năm, thì năm 2010 tình hình còn bi đát, nghiêm trọng hơn. Cụ thể, hết tháng 8-2009, sản lượng điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt trên 5,6 tỉ kWh, thì sang năm 2010 do thiếu nước nên hết tháng 8-2010 tổng sản lượng điện cũng chỉ đạt 4,9 tỉ kWh.

      Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, kỹ sư Hoàng Văn Lợi (phòng kỹ thuật) cho biết thêm mực nước hụt so với năm ngoái tương đương trên 2 tỉ m3 nước và lượng nước này đủ để sản xuất ra khoảng 500 triệu kWh điện. Còn tại thời điểm này, do thiếu nước nên mỗi ngày Nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ sản xuất 30-35 triệu kWh.

      Về nguyên nhân, lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình cho rằng từ năm 2009 đã ít mưa, thiếu nước, lại hạn hán nên kéo dài sự ảnh hưởng sang năm nay. Trong khi đó năm 2010 cũng hạn hán, đầu năm hồ phải ba lần xả nước chống hạn cho hạ lưu. Đặc biệt, do ảnh hưởng của El Nino nên năm 2010 rất ít mưa, lượng mưa thấp, mùa lũ không có trận lũ nào khiến hồ đã cạn càng thêm cạn. Hơn nữa, từ 15-5-2010 thủy điện Sơn La đã nút cống chặn dòng tích nước nhằm chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay nên nguồn nước thượng nguồn sông Đà đã bị chặn lại ở Sơn La, không còn đổ dồn về Hòa Bình nữa. Hiện thủy điện Sơn La đã đóng chín cửa, chỉ còn để ba cửa đưa nước xuống Hòa Bình.

      Như vậy, nguồn nước dùng để chạy tám tổ máy phát điện chỉ trông chờ vào nguồn nước trong hồ chứa, lượng nước từ 3/12 cửa của thủy điện Sơn La và lượng nước bổ sung rất nhỏ từ các suối đổ ra sông Đà từ Sơn La về Hòa Bình.

      Thủy điện miền Trung cũng thiếu nước

      Đến thời điểm này, mực nước trên các hồ chứa của các nhà máy thủy điện Pleikrông, Ialy đang rất thấp so với cùng thời điểm các năm trước. Lượng mưa ít, diễn biến thời tiết không bình thường nên khả năng tích nước hạn chế. Giám đốc Công ty thủy điện Ialy Tạ Văn Luận cho biết so với mọi năm, thời điểm này lượng nước tích được ở các hồ chứa đã gần đầy, nhưng hiện giờ các hồ chứa chỉ trên mực nước chết một ít. “Các năm trước mực nước các cao trình đạt 515m so với mặt nước biển nhưng hiện giờ chỉ đạt khoảng 497m, thấp hơn mọi năm hơn 15m” - ông Tạ Văn Luận nói.

      Ông Luận cho rằng vẫn còn sớm để khẳng định về phương án phát điện sắp tới. “Tuy nhiên, tám tháng đầu năm nay lượng điện phát chỉ đạt 50%, trong khi lượng nước tích được thấp so với những năm trước cũng là chuyện đáng lo ngại” - ông Luận nói thêm.

      Trong khi đó, ông Lê Đình Bản - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện A Vương - cho biết mực nước về hồ thủy điện A Vương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009. Theo đó, mực nước đo vào chiều 9-9 tại lòng hồ A Vương chỉ đạt cao trình 350,45m, so với mực nước dâng bình thường là 380m và chỉ cao hơn mực nước chết chừng 10m. Điều này đồng nghĩa với việc hồ A Vương đang thiếu hụt khoảng 200 triệu m3 nước. Hiện lưu lượng nước về hồ đo được vào khoảng 58,7m3/giây.

      Đ.BÌNH - V.LÂM - N.NAM - Đ.NAM

      <Theo tuổi trẻ>
      Xem nội qui box Hỏi đáp về điện tại đây:
      http://webdien.com/d/showthread.php?t=12077

    7. Những thành viên đã cảm ơn lightingbolt vì bài viết hữu ích:


    8. #7
      Tham gia
      25-01-2010
      Địa chỉ
      Đồng Nai
      Bài viết
      1,013
      Cảm ơn
      293
      Được cảm ơn 673 lần, trong 391 bài

      Mặc định Ðề: Cập nhật một số tin ngành điện mới

      Đề nghị bỏ 38 dự án thủy điện

      TT - Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát các dự án thủy điện (DATĐ) và việc vận hành các đập thủy điện.

      Theo đoàn kiểm tra, trên địa bàn chín tỉnh trọng điểm khu vực miền Trung và Tây nguyên (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng), đang có tới 393 DATĐ với tổng công suất lắp máy khoảng 7.381MW.

      Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã xác định 79 vị trí tiềm năng thủy điện đang nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch và cho phép xây dựng. Qua kiểm tra, đoàn công tác đề nghị loại bỏ 38 DATĐ đã phê duyệt quy hoạch, yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh quy mô của 35 DATĐ vì các dự án này gây ảnh hưởng lớn môi trường - xã hội hoặc không phù hợp với các quy hoạch khác. Lai Châu có số DATĐ được đề nghị bãi bỏ nhiều nhất với 11 dự án, tiếp theo là Quảng Nam với 7 dự án và hầu hết các địa phương được kiểm tra đều có dự án được đề nghị bãi bỏ hoặc điều chỉnh quy mô.

      Bộ Công thương nhấn mạnh tại 26 DATĐ đã kiểm tra thực địa, có 21 dự án đang thi công nhưng chất lượng thiết kế và thi công chưa thật sự đáp ứng yêu cầu.

      Về quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện mà dư luận băn khoăn thời gian qua, đoàn công tác qua kiểm tra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Phú Yên khẳng định các chủ đầu tư nhìn chung đã tuân thủ nguyên tắc xả lũ. Tuy nhiên, trong thực tế việc phối hợp liên lạc, cập nhật thông tin để vận hành giữa các hồ chứa trên cùng một lưu vực sông còn hạn chế nên một số chủ đầu tư bị động khi vận hành.

      Ngoài ra, thông tin dự báo cũng chưa kịp thời hoặc độ chính xác chưa đảm bảo. Vì vậy, việc vận hành công trình thiếu chủ động và chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt là khi xả lũ. Đáng lưu ý, đoàn công tác đã kết luận do năng lực của cán bộ vận hành hồ chứa, kể cả công trình lớn và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều hạn chế nên có lúc chưa tuân thủ hoàn toàn quy trình đã được phê duyệt.

      * Ngày 22-4, kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa VII) đã thông qua nghị quyết về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ thống nhất đưa vào quy hoạch 33 dự án, loại khỏi danh mục đầu tư 5 dự án so với tờ trình trước đó của UBND tỉnh. Nghị quyết này cũng đã đề ra chín nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư thủy điện. Trong đó, đáng chú ý là việc tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng phải đáp ứng được nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân; phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, các nhu cầu vật chất và văn hóa tinh thần của người dân.

      C.V.KÌNH - T.VŨ - Đ.CƯỜNG

      <Theo tuổi trẻ>
      Xem nội qui box Hỏi đáp về điện tại đây:
      http://webdien.com/d/showthread.php?t=12077

    9. #8
      Tham gia
      25-01-2010
      Địa chỉ
      Đồng Nai
      Bài viết
      1,013
      Cảm ơn
      293
      Được cảm ơn 673 lần, trong 391 bài

      Mặc định Ðề: Cập nhật một số tin ngành điện mới

      Xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Tỉnh muốn gom về một nơi

      TT - Thông tin lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận muốn thay đổi địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.

      Trước thông tin UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị thay đổi địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét kỹ vấn đề này, phải hết sức cẩn trọng khi muốn đổi địa điểm đã định.

      Địa điểm được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận (ảnh chụp năm 2009) - Ảnh: Đức Tuyên
      Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2009 nêu rõ địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

      Thời gian khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

      Hai nhà máy chung một nơi

      Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, kiến nghị về việc điều chỉnh địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân vừa được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trao đổi với một vài thành viên của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội. Một thành viên của ủy ban này cho biết có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải xây dựng hai nhà máy ở hai địa điểm khác nhau, nên triển khai tại một địa điểm sẽ thuận tiện hơn và cần tiếp tục nghiên cứu xem có nhất thiết phải đặt hai nhà máy tại hai huyện khác nhau.

      Hơn nữa, bờ biển Ninh Thuận dài hơn 100km, nếu rải đều các địa điểm xây dựng điện hạt nhân thì có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư những dự án khác. “Tôi được biết Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu các đề xuất của tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên việc thay đổi vị trí xây dựng nhà máy là không đơn giản, vì nó đã được ghi rõ trong nghị quyết của Quốc hội. Tôi nghĩ rằng trước mắt cứ nghiên cứu kỹ, nếu thấy đề xuất phù hợp thì có thể Chính phủ phải trình Quốc hội cho sửa nghị quyết, việc này cũng là bình thường” - vị này nói.

      Có thể phát sinh nhiều vấn đề

      Ông Vương Hữu Tấn, viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, cho rằng việc Ninh Thuận đề xuất “gom” các tổ máy lại một địa điểm nếu các cơ quan hữu quan nghiên cứu thấy phù hợp thì hoàn toàn có thể điều chỉnh. “Tôi nghĩ việc điều chỉnh địa điểm xây dựng không ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch xây dựng các tổ máy” - ông Tấn nói.

      Hơn 20 điểm có thể làm nhà máy điện hạt nhân

      Ông Tạ Văn Hường cho biết trước khi trình phương án để Quốc hội thông qua, đã có nhiều đoàn nghiên cứu đi tìm hiểu, quy hoạch một loạt địa điểm trên toàn đất nước từ Bắc vào Nam để làm nhà máy điện hạt nhân. Kết quả đã tìm được hơn 20 địa điểm, trải dài gần như tất cả các tỉnh thành ven biển từ Bắc vào Nam theo các tiêu chí hướng dẫn của Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế. Tuy nhiên, qua rà soát, nghiên cứu thì hai địa điểm ở Ninh Thuận là tốt hơn cả

      Theo định hướng quy hoạch điện hạt nhân VN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có tám địa điểm tại năm tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi được lựa chọn để đặt các nhà máy điện hạt nhân. Trong đó Ninh Thuận có hai địa điểm được quy hoạch với tám tổ máy.

      Thế nhưng, một quan chức của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lại cho biết các khâu chuẩn bị cho hai nhà máy điện hạt nhân đã được tiến hành hết sức cẩn trọng và rốt ráo. EVN đã chuẩn bị nhiều việc từ tuyên truyền, giải thích cho người dân thuộc hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải, thậm chí đã nhiều lần mời người dân đi hội thảo, tham quan.

      Vì vậy việc thay đổi địa điểm sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị dự án. Quan chức của EVN nói địa điểm Phước Dinh dù tối ưu nhưng mới tính đến việc đặt một nhà máy. Nếu đặt cả hai nhà máy tại đây sẽ phải xem lại khối lượng công việc.

      Theo TS Phan Minh Tuấn - trưởng ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo thuộc EVN (đơn vị trực tiếp chuẩn bị đầu tư dự án), hiện ban chưa nhận được văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận nên không rõ các lý do đề nghị chuyển địa điểm.

      Ông Tuấn cho rằng việc chọn hai địa điểm đã cơ bản đạt được sự đồng thuận của nhân dân và cả HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản đồng ý. Việc chọn hai địa điểm để xây dựng hai nhà máy không phải là ngẫu nhiên mà dựa trên cơ sở khoa học. Không chỉ hai nhà máy, đến năm 2030 theo quy hoạch, VN sẽ có tới 13-15 tổ máy nên vẫn cần tiếp tục mở rộng các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân chứ không phải thu hẹp.

      Theo ông Tuấn, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã bắt đầu triển khai lập dự án khả thi, tốt nhất đã thống nhất địa điểm nào thì nhất quán thực hiện theo phương án đó, không nên thay đổi, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, dao động người dân.

      Về phía Bộ Công thương, ông Tạ Văn Hường - vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công thương - cho biết ông chưa nhận được văn bản đề nghị cụ thể của UBND tỉnh Ninh Thuận. Theo ông Hường, việc địa phương đưa ra đề nghị mới cũng là việc bình thường. Khi có văn bản chính thức của UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ cần phải họp bàn kỹ càng mới có thể đưa ra quyết định. Ông Hường cho rằng các khâu chuẩn bị cho hai địa điểm ở hai xã thuộc hai huyện cách nhau khoảng 30km cũng đã được tính toán kỹ.

      Hơn nữa, theo ông Hường, quyết định đặt hai nhà máy tại hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải trước đây cũng đã được chính UBND tỉnh Ninh Thuận đồng thuận chứ không phải chưa hỏi ý kiến địa phương. Nếu UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất thay đổi địa điểm, đặc biệt là gộp hai nhà máy vào một chỗ tại xã Phước Dinh thì cần phải bàn bạc lại rất kỹ.

      CẦM VĂN KÌNH - LÊ KIÊN

      <Theo tuổi trẻ>
      Xem nội qui box Hỏi đáp về điện tại đây:
      http://webdien.com/d/showthread.php?t=12077

    10. The Following 2 Users Say Thank You to lightingbolt For This Useful Post:


    11. #9
      Tham gia
      28-05-2008
      Địa chỉ
      :::Ho Chi Minh city University of Technology -[^.^]- Faculty of Electrical & Electronics Engineering
      Bài viết
      1,108
      Cảm ơn
      410
      Được cảm ơn 3,738 lần, trong 598 bài

      Mặc định Thủy điện sống cầm chừng

      Theo nhận định chung của hầu hết các công ty thủy điện vừa và nhỏ tại Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại mặc dù đang là mùa mưa nhưng sản lượng điện sản xuất được chỉ đạt khoảng 1/2 chỉ tiêu. Việc nguồn nước khan hiếm đã khiến một số thủy điện nhỏ phải ngưng hoạt động liên tục để tích nước.

      Cửa xả hồ thủy điện Buôn Kuôp luôn phải đóng chặt để tích nước khiến dòng Serepok trơ đáy - Ảnh: T.B.DŨNG

      Trên dọc sông Serepok hiện đã có bốn đập thủy điện lớn nhỏ theo mô hình bậc thang, trong đó thủy điện Buôn Tu Srah (xã Nam Ka, huyện Lắk, Đắk Lắk) có hồ chứa 520 triệu m3, kế tiếp về phía hạ lưu là các đập thủy điện Buôn Kuôp, Dray H’Linh, Serepok 3, Serepok 4.

      Ông Trần Văn Khánh, phó giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuôp (đơn vị quản lý và điều hành thủy điện Buôn Kuôp, Buôn Tu Srah và Serepok 3 nằm trên sông Serepok), cho biết do tình hình hạn hán kéo dài nên lượng nước đổ về các đập thủy điện dọc sông Serepok đều thấp kỷ lục. Tại thủy điện Buôn Tu Srah, sức chứa tối đa của hồ là 520 triệu m3, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại hồ mới chỉ tích được 60 triệu m3, mực nước thấp nhất kể từ khi thủy điện đi vào hoạt động.

      Theo ông Khánh, xét theo hệ thống thủy văn, thủy điện Buôn Tu Srah được coi như “bình chứa” khổng lồ, quyết định đến việc vận hành của các thủy điện bậc thang phía dưới.

      Việc lượng nước về hồ Buôn Tu Srah thấp khiến các hồ dưới hoạt động không ổn định do hồ phía trên liên tục phải tích nước. Tại hồ thủy điện Buôn Kuôp, lượng nước tích trữ tại hồ luôn trong tình trạng thiếu nước, nhà máy này phải đóng cửa đập tích nước liên tục mới đủ nước chạy hệ thống tuôcbin.

      Ông Khánh cho hay sản lượng điện Nhà nước giao cho thủy điện Buôn Kuôp trong năm nay là 1,28 tỉ kWh nhưng hiện tại mới chỉ sản xuất được 480 triệu kWh, đạt 38% kế hoạch.

      Trong khi đó, chỉ tiêu của thủy điện Buôn Tu Srah là 370 triệu kWh nhưng cũng chỉ mới sản xuất được 130 triệu kWh, đạt tỉ lệ 35,1%. “So với thời điểm này năm trước, lượng nước về hồ được coi như thấp kỷ lục. Mùa mưa Tây nguyên thường kết thúc vào cuối tháng 11 và hiện đã vào gần cuối mùa nhưng chúng tôi phải rất vất vả để chạy máy, với tình hình này thì sản lượng điện năm nay có thể không đạt đến 50% chỉ tiêu được giao” - ông Khánh nói.

      Tại hồ thủy điện Buôn Kuôp, dù nhiều tuần nay mưa liên tục nhưng trưa 10-9, mực nước còn cách khá xa so với lúc đạt mức cao nhất. Phía dưới chân đập, các van xả đóng im lìm, các tổ máy không hoạt động do phải tích nước.

      Tình hình sẽ còn căng thẳng

      Ngày 10-9, tại khu vực hồ thủy điện Buôn Tu Srah, một cán bộ ngành thủy điện nói thủy điện Buôn Tu Srah bây giờ không tích được giọt nước nào, khiến hai tổ máy của thủy điện phải ngưng hoạt động vào ban ngày.

      Từ hướng xã Nam Ka đi về xã Quảng Phú (Krông Nô, Đắk Nông), lưu lượng nước trên sông Krông Nô không còn hung dữ như trước đây. Một cửa xả của nhà máy thủy điện Buôn Tu Srah vẫn mở với công suất nhỏ để nước thoát ra. Đứng trên bờ đập của nhà máy nhìn xuống hồ có thể ước tính mực nước đã rút xuống hàng chục mét. Nhiều đoạn xung quanh hồ nước rút rất sâu để lộ những mảng đất, những cây gỗ mục khô. Vào thời điểm này, một tổ máy của nhà máy đã đóng kín, không hoạt động từ lâu.

      Dọc sông Krông Nô về các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên... dòng nước rất cạn. Theo ông Hồ Văn Bảy - phó bí thư đảng ủy xã Đức Xuyên: “Vài tháng trở lại đây, dòng Krông Nô qua đoạn Đức Xuyên cạn liên tục, người dân có thể đi bộ qua được”.

      Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Thân, phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, cho biết: “Tình hình nhiều hồ thủy điện lớn và nhỏ trong tỉnh không tích được nước là vì không mưa, không lũ. Hiện các hồ thủy điện gần như không tích được nước và chỉ có thể chạy máy ở giờ cao điểm. Sắp tới tình hình sẽ còn thêm căng thẳng”.

      Thủy điện IaLy: Chỉ đạt 50% công suất

      Ngày 10-9, ông Tạ Văn Luận - giám đốc Công ty thủy điện Ialy (nằm trên sông Sê San thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum) - cho biết hiện tại mực nước ở hồ Ialy đang ở cao trình 496,5m, trong khi mực nước chết là 490m.

      Đây là mức quá thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tại thủy điện Pleikrông (nằm trên sông Krông Pô Kô, thuộc bậc thang của dòng sông Sê San) nước cũng đang ở mức thấp là 537,8m, trong khi mức chết là 537m và thấp hơn 30m so với cùng kỳ năm trước. Hiện các nhà máy vẫn hoạt động bình thường nhưng sản lượng chỉ đạt 50% so với công suất tối đa của các nhà máy. Cũng theo ông Luận, sản lượng điện trong tám tháng của toàn công ty chỉ đạt gần 50% so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực giao.

      Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Kon Tum, lượng nước về các hồ của thủy điện Ialy trong năm ngày qua (5 đến 10-9) thấp hơn so với năm ngày đầu tháng. Mực nước ở các sông Đăk Bla và Krông Pô Kô - hai sông chính cung cấp nước cho hai nhà máy hoạt động - thấp hơn 0,8-1m so với cùng kỳ năm ngoái.
      các cụ nhà báo sắp có chuyện để bới móc vì sao thiếu điện nữa rồi , cũng may mắn là mùa này thuộc vào mùa mưa , nên chắc tình trạng thiếu điện không còn , hihi , hem biết sẽ thế nào đây
      HELLO

    12. Những thành viên đã cảm ơn nhockid vì bài viết hữu ích:


    13. #10
      Tham gia
      10-10-2009
      Bài viết
      261
      Cảm ơn
      132
      Được cảm ơn 1,596 lần, trong 130 bài

      Mặc định Thiếu nước, thủy điện Sơn La có kịp phát điện?

      Hồ thủy điện Sơn La đang trong quá trình tích nước để chuẩn bị thử máy phát điện vào cuối năm nay nhưng đến nay mới chỉ tích nước đến cao trình 160m, trong khi mực nước chết của hồ là 175m.



      Sơ đồ vị trí thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình - Đồ họa: Như Khanh

      Nhiều chuyên gia khí tượng thủy văn bày tỏ lo ngại thủy điện Sơn La có thể có nguy cơ không đủ nước để thử máy phát điện vào cuối năm nay như dự kiến.
      Lo cho thủy điện Sơn La
      Theo TS Nguyễn Lan Châu - cố vấn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong ba hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc đang phát điện chỉ có hồ Thác Bà đạt được mực nước 52,31m, tương đương cùng kỳ năm ngoái, còn các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang đều không đạt được mực nước so với cùng kỳ.
      Trong khi đó, thủy điện Sơn La dự kiến cuối năm nay phát điện nhưng đến nay mực nước tích được chưa đạt đến mực nước chết của hồ. “Chưa năm nào lại ít lũ và đỉnh lũ thấp như năm nay ở các sông miền Bắc. Mực nước các hồ thủy điện đang ở mức thấp nhưng dự báo đến giữa tháng 9 vẫn không có cải thiện đáng kể do chưa có mưa lớn” - TS Châu nói. Đó cũng là lý do mà bà Lan Châu lo ngại thủy điện Sơn La sẽ không tích đủ nước để phát điện vào cuối năm nay.
      TS Nguyễn Lan Châu cho biết thống kê về tình hình lũ trong những năm gần đây trên hệ thống sông Đà cho thấy những trận lũ có lưu lượng lớn giảm một cách bất thường vào năm nay. “Nếu tính những trận lũ có lưu lượng từ 5.000m3/giây trở lên ở sông Đà thì năm 2006 có 7 trận, năm 2007 có 9 trận, năm 2008 có 11 trận, năm 2009 có 6 trận. Nhưng năm nay chỉ mới có một trận đạt mức 4.800m3/giây, trong khi trận bé nhất của năm 2005 còn đạt tới 9.400m3/giây”. Theo bà Châu, tình trạng hiếm mưa bất thường, không xuất hiện những trận mưa lớn ở thượng nguồn và vùng hồ chứa trong mùa mưa năm nay là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.
      Từ Sơn La, lo cho Hòa Bình
      Ông Nguyễn Hồng Hà, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La, cho biết đến ngày 11-9, các hạng mục của công trình đều đạt tiến độ để phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25-12 tới đây. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này đối với thủy điện Sơn La là nguồn nước. Hiện thủy điện Sơn La đã lắp đặt tuôcbin, stator máy phát tổ máy số 1, đã nút cống, chặn dòng ở 10 cửa, chỉ còn để hai cửa xả nước xuống hạ lưu.
      Mặc dù vậy, ông Hà cho rằng với mực nước hiện có (160m) thì không hề ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010. Tuy nhiên do mưa ít, nước ít, lưu lượng giảm nên việc Sơn La chặn dòng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của thủy điện Hòa Bình dưới hạ lưu.
      Về phía thủy điện Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình - cho biết đến ngày 11-9, mực nước tại Hòa Bình chỉ đạt 100m, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009 là 9m, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm là 17m. Hiện thủy điện Hòa Bình vẫn đáp ứng đủ yêu cầu của EVN, phát đủ 30-35 triệu kWh điện lên lưới/tháng. Tuy nhiên về lâu dài, kế hoạch sản xuất 8,5 tỉ kWh năm 2010 sẽ khó đảm bảo và Hòa Bình đang kiến nghị EVN cho giảm sản lượng xuống còn 7,5 tỉ kWh.
      Theo ông Thành, với mực nước hiện có, Hòa Bình chỉ cố gắng sản xuất điện cầm chừng đảm bảo đúng yêu cầu của EVN. Còn với mực nước hiện nay, nếu thời tiết vẫn không mưa, không có lũ thì mùa khô năm 2011 sẽ lại khó khăn hơn, khi đó nếu hạ lưu gặp hạn hán thì không biết Hòa Bình lấy đâu nước để xả lũ cứu hạn.
      TUẤN PHÙNG - ĐỨC BÌNH

    Trang 1 của 12 123411 ... CuốiCuối

    Trả lời với tài khoản Facebook

    Các Chủ đề tương tự

    1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện/qcvn qtđ-5 : 2009/bct
      Bởi nganhdiencolen trong diễn đàn Bộ môn hệ thống điện
      Trả lời: 8
      Bài cuối: 30-03-2012, 15:52
    2. Trả lời: 1
      Bài cuối: 27-02-2011, 15:51
    3. Trợ giúp - Tại sao chiều dầy lá thép kĩ thuật điện của lõi thép trong MBA lại phải phụ thuộc vào tần số
      Bởi E=mc^2 trong diễn đàn Máy biến áp, máy biến dòng
      Trả lời: 3
      Bài cuối: 16-02-2011, 10:29

    Tag của Chủ đề này

    Văn Võ Trạng Nguyên
    Hắc Hiệp Đại Chiến Thánh Bài 2
    Đặc Cảnh Diệt Ma
    Khử Ma Đạo Trưởng
    Cương Thi Diệt Tà
    Sự Hình Thành Của Đế Chế Mông Cổ
    NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ CỦA GIẢI GOLF PHÚ MỸ HƯNG 2016